image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Truyền thống văn hóa

 

Quá trình hình thành vùng đất và truyền thống văn hóa của người dân Đức Huệ gắn liền với dòng lịch sử đấu tranh, bảo vệ và dựng xây quê hương trên tuyến biên cương của Tổ quốc.           Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các địa phương đã bắt tay vào sản xuất, ổn định, phát triển cuộc sống. Đức Huệ lại phải tiếp tục chiến đấu chống đạo quân xâm lược Pôn Pốt – Ieng Xa Ry (30/4/1977 – 07/01/1979) để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và giúp đỡ nhân dân nước bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng. Ngược dòng lịch sử để thấy sự vươn lên mãnh liệt của đất và người dân Đức Huệ anh hùng.

1. Quá trình khôi phục vùng đất trắng

          Trải qua ba cuộc chiến tranh ác liệt, nạn lũ lụt lớn, thiếu đói lương thực, đời sống vô cùng khó khăn, nhưng người dân Đức Huệ vẫn một lòng đoàn kết, không ngại gian khổ, hiểm nguy về khai phá bom mìn, hăng hái khai vỡ đất đai, đào kênh thủy lợi, nuôi cá ao hồ, trồng lúa, đắp đường giao thông... Nhân dân hưởng ứng tham gia nhiều phong trào sôi nổi như: phong trào khôi phục ruộng vườn, phong trào xóa nạn đói, nạn mù chữ, Đức Huệ là một trong vài địa phương cấp huyện đi đầu diệt xong giặc dốt đầu tiên ở Miền Nam. Trong phong trào xây dựng đường giao thông, nhân dân đóng góp hàng vạn ngày công, điển hình như tuyến đường Hiệp Hòa - Quéo Ba, tuyến đường quan trọng trực tiếp lưu thông sản xuất của huyện.

Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cũng có nhiều bước phát triển, trong thời gian ngắn từ huyện đến các xã, thị trấn đã hình thành nhiều đội ca múa kịch với nhiều diễn viên quần chúng, các câu lạc bộ đờn ca tài tử với những nghệ nhân dân gian mang giọng ca ngọt ngào sâu lắng; các câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền thường xuyên tổ chức thi đấu giao lưu tạo phong trào thi đua sôi nổi,…

2. Các di tích lịch sử trên địa bàn huyện

          Toàn huyện có 01 Di tích lịch sử cấp quốc gia là Khu Di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An và 10 di tích lịch sử cấp tỉnh gồm:  Di tích lịch sử Địa điểm thực dân Pháp thảm sát nhân dân Kinh Lò Đường ngày 28/01/1947; Di tích lịch sử Địa điểm Đế quốc Mỹ thảm sát nhân dân Vàm Rạch Gốc; Di tích lịch sử Miếu ông Lê Công Trình; Di tích lịch sử Khu vực Bến phà Đức Huệ; Di tích lịch sử Khu vực Sân Vận Động Quéo Ba; Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9; Di tích lịch sử Khu Hội Đồng Sầm; Di tích Khu vực Quéo Ba; Di tích Giồng Dinh; Di tích Miếu ông Giồng Lớn.

3. Nét văn hóa truyền thống của huyện

3.1. Các món ăn truyền thống

Đến Đức Huệ để du lịch tâm linh kết hợp du khảo về nguồn thăm lại chiến trường xưa với các món ăn dân gian bình dị mà mang đậm nét đặc trưng của miền sông nước bưng biền như cá lóc, cá con um, mắm cá đồng, mắm lia lia, canh chua cá đồng nấu với bông điên điển, bông súng, mắm kho, chim nướng, chuột khìa, rắn bầm xào nghệ… đều là các món ăn đặc sản, đơn giản mà đậm đà hương vị.

3.2. Các kiểu nhà truyền thống

Cuộc sống, sinh hoạt của người dân đơn giản, dễ cơ động. Văn hoá ăn, ở mang đặc thù riêng và phù hợp với môi trường, sinh thái tự nhiên. Kiểu nhà truyền thống có các loại như: nọc ngựa; chữ đinh; bát dần, ở giữa gian nhà chính có bàn thờ tổ tiên, trước sân nhà có bàn thờ ông thiêng.

3.3. Phong tục, tập quán

Các phong tục tập quán mang những nét tương đồng gắn liền với nền sản xuất thuần nông nghiệp. Chịu ảnh hưởng về "Tam giáo" (Nho, Lão, Phật) nên phần đông người dân Đức Huệ lấy đạo thờ cùng ông bà làm trọng. Việc tín ngưỡng dân gian đã thành phong tục tập quán của nhân dân, những năm gần đây lễ hội cúng miễu Ông Lê Công Trình đã thành truyền thống.

Người dân chuộng sự phóng khoáng, thẳng thắn, bộc trực, coi trọng tình nghĩa, sinh hoạt đơn giản, ít chú ý đến hình thức bên ngoài, không cầu kỳ, lao động cật lực, nhưng cũng ăn xài thoải mái. Bản chất người Đức Huệ giàu lòng nhân ái, thương người, mến khách, dễ gặp gỡ và dễ thân thiện... 

3.4. Về tôn giáo

Các tôn giáo ở Đức Huệ bao gồm: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài Tây Ninh, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo hoạt động tuân thủ pháp luật, giúp đỡ nhân dân, sống tốt đời đẹp đạo từ khi còn thời chiến đến lúc thời bình.

3.5. Về Dân tộc

Các dân tộc ở huyện Đức Huệ bao gồm: Kinh, Người Hoa, Khơ Me, Chăm, Tày, Nùng, Cao Lang cùng sống đoàn kết tương trợ nhau.

Trãi qua những thăng trầm lịch sử, trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc, người dân Đức Huệ luôn là người lính tiên phong đứng trên tuyến đầu bảo vệ biên giới, lãnh thổ thân yêu, vượt qua gian khổ, hy sinh, tôi luyện ý chí kiến cường bất khuất, đoàn kết, sáng tạo đã hình thành nên tính cách, phẩm chất năng lực và truyền thống tốt đẹp viết nên trang sử Đức Huệ anh hùng, góp phần trong truyền thống của Long An "Trung dũng kiên cường". Phát huy truyền thống cách mạng, từ một huyện nghèo biên giới tiến lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong thời gian tới huyện ra sức phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng bộ mặt của huyện ngày càng thay đổi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần  cho nhân dân, tiếp tục công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh
«« « 1 2 3 4 5  ... » »»