image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Điều kiện tự nhiên

1. Các yếu tố khí hậu, thời tiết, thủy văn:

  Khí hậu, thời tiết:

   Khí hậu huyện Đức Huệ mang tính chất đặc trưng nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt cao đều quanh năm, ánh sáng dồi dào, lượng mưa khá lớn và phân bố theo mùa.

   Nhiệt độ: nhiệt độ trung bình năm là 26,80C, nhiệt độ bình quân cao nhất 31,10C và  thấp nhất là 23,80C. Dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm thấp từ 80C đến 100C.

   Chế độ mưa: lượng mưa trung bình năm 1.840mm, phân bố theo mùa rõ rệt (mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11).

   Độ ẩm không khí trung bình tương đối ổn định giao động từ 77,3% đến 83,4%, trung bình hàng năm là 83,4%.

   Đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, đặc biệt là cây mía, lúa, ngô, rau đậu thực phẩm. Tuy nhiên, Mùa mưa trùng với mùa lũ thường gây ngập úng, cản trở quá trình sản xuất của phần lớn diện tích đất nông nghiệp.

   Chế độ thủy văn

   Chế độ thủy triều: Sông rạch huyện Đức Huệ chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều cửa biển Đông và các nguồn nước thượng nguồn đổ về sông VCĐ và VCT. Thời gian một ngày triều là: 24 giờ 50 phút, có hai đỉnh và hai chân triều, song biến động không đều theo tháng. Đỉnh triều lớn nhất vào tháng 12, nhỏ nhất vào tháng 4,tháng5. Biên độ triều trung bình mùa kiệt: 0,75-0,85m, mùa lũ: 0,45-0,60m. Do vậy, vào mùa khô có thể lợi dụng thủy triều để tưới nước hoàn toàn tự chảy; song do biên độ triều không lớn và cường độ triều không đủ mạnh như ngoài dòng chính nên khả năng đẩy nước từ sông VCĐ vào sâu trong nội đồng bị yếu dần.

   Đặc điểm của các Sông, kênh lớn ở Đức Huệ có lòng rộng ( 12-27m) và lưu lượng dòng chảy tốt. Do đó, trong điều kiện mưa lớn và tập trung không gây lũ lớn, không ảnh hưởng đến sản xuất và giao thông. Hệ thống kênh rạch ở đây ít bị nhiễm mặn do có nguồn nước ngọt của Hồ Dầu Tiến xả xuống sông VCĐ Và VCT vào các tháng mùa khô.

   Lũ lụt ở Đức Huệ do ảnh hưởng của hai nguồn sinh lũ là: lũ từ thượng nguồn sông VCĐ và lũ từ sông MêKông chuyển qua sông VCT gây ra. Lũ đến muộn (tháng 9,10), độ sâu ngập dao động từ 0,7-1,5m, nơi ngập sâu nhất là các xã phía Nam như Bình Hòa Hưng, Bình Thành, Bình Hòa Nam. Tuy nhiên, lũ lụt ở Đức Huệ xuất hiện không đều qua các năm nên mức độ ảnh hưởng không nhiều đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

2. Tài nguyên đất đai

   Theo kết quả điều tra xây dựng bản đồ đất tỉ lệ 1/25.000 năm 1998 của Phân viện Quy hoạch-TKNN: Toàn huyện có 3 nhóm đất với 9 đơn vị chú giải bản đồ đất:

   Nhóm đất phù sa nhiễm phèn: chiếm 7,11% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố chủ yếu dọc theo hai bên bờ sông VCĐ tại các xã: Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Bắc, Bình Hòa Bắc, Bình Hòa Nam và Mỹ Quý Đông. Nhóm đất này có thành phần cơ giới nặng, hàm lượng sét vật lý khoảng 45-60%, kém thoát nước, độ phì cao, thích hợp cho việc trồng lúa.

  Nhóm đất xám có: chiếm 36,02% tổng diện tích tự nhiên, hình thành trên đất phù sa cổ, thành phần cơ giới nhẹ, phân bố hầu hết các xã (ngoại trừ xã Mỹ Quý Đông) và nằm xen với khối đất phèn. Loại đất này thích hợp để làm đất ở hoặc xây dựng cơ bản, nếu sử dụng để trồng lúa hoặc luân canh lúa với cây trồng cạn thì cần chú ý 3 vấn đề: dinh dưỡng, tầng kết von và mức độ gley.

   Nhóm đất phèn: chiếm 55,75% tổng diện tích tự nhiên, nằm ở địa hình thấp (lòng sông cổ), vật liệu hình thành đất là phù sa cổ và phù sa mới chồng xếp lên nhau nên rất khó cải tạo. Đây chính là nguyên nhân sâu xa lý giải tại sao đất hoang hóa ở Đức Huệ khai thác chậm và hiện nay vẫn còn nhiều nhất tỉnh Long An (6.513 ha).

   Phân hạng đất theo bộ thuế

Đất Đức Huệ có đến 90% thuộc hạng 5 và hạng 6, chỉ có khoảng 2.500 ha đất phù sa nhiễm phèn thuộc hạng 3 và hạng 4.

  Đánh giá đất theo mức độ thích nghi với cây trồng

   Như vậy, 100% diện tích đất của huyện Đức Huệ được xếp ở cấp ít thích nghi hoặc phải cải tạo mới thích nghi với 2 vụ lúa, mía, đậu phộng, đậu đỗ, dưa và chanh …. Nên cây sinh trưởng phát triển cho năng suất thấp hơn các vùng đất tốt (đất phù sa). Vì vậy, đây cũng là một hạn chế lớn trong sản xuất nông nghiệp.

3. Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt.

   Nguồn cấp nước ngọt chính của huyện Đức Huệ từ hồ Dầu Tiếng xả nước qua kênh Tây đẩy mặn (4g/l) lùi xuống Xuân Khánh, phần sông VCĐ thuộc Đức Huệ đã được ngọt hóa quanh năm. Bằng hệ thống các kênh nối trực tiếp với sông VCĐ như kênh 61, Kênh Ba Reng – Rạch Gốc,… kéo nước ngọt vào nội đồng (hướng Đông-Tây) và kênh Rạch Tràm – Mỹ Bình theo hướng Bắc Nam đã tạo động lực quan trọng và có ý nghĩa gần như quyết định thúc đẩy sản xuất và cải thiện đời sống cho nhân dân ở huyện Đức Huệ.

 Nguồn nước ngầm.

   Trên bề mặt đất huyện Đức Huệ có 62,86% diện tích được phủ bởi lớp trầm tích Holocene (QIV), còn gọi là phù sa mới; còn lại 36,02 % phủ bằng trầm tích cổ Pleistocene (QI-QIII).

   Trong trầm tích Holocene, nước ngầm bị nhiễm phèn, độ sâu xuất hiện tầng nước ngầm từ 120-200m, có độ khoáng hóa cao (>3g/l). Nước ngầm ở trầm tích cổ có hàm lượng tổng số độ khoáng hóa: 1-3 g/l.

   Quá trình thực hiện chương trình nước sạch nông thôn và khoan, khai thác nước ngầm của UNICEF thường phải khoan sâu > 150m, nước giếng khoan muốn sử dụng an toàn phải qua thiết bị lọc.

   Như vậy, Đức Huệ là nơi nghèo nước ngầm, nước có độ khoáng hóa cao, đầu tư khoan khai thác (giếng) phải đủ độ sâu và bắt buộc phải có thiết bị lọc nước mới sử dụng cho sinh hoạt được, nên cần đầu tư vốn lớn và đồng bộ.

4. Tài nguyên rừng

   Tài nguyên rừng là thế mạnh của Đức Huệ, theo kết quả kiểm kê và thống kê đất đainăm 2010, diện tích đất lâm nghiệp của huyện có 7.548,4ha, chiếm 17,5% diện tích tự nhiên; trong đó, rừng sản xuất chiếm 99,6% diện tích đất lâm nghiệp, còn lại là rừng phòng hộ và rừng  đặc dụng chiếm 0,4% diện tích đất lâm nghiệp. Diện tích trồng rừng chủ yếu là tràm xà cừ, bạch đàn,… Đây là nguồn nguyên liệu phục vụ chính cho sản xuất giấy, nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả.

   Nguồn tài nguyên động vật dưới tán rừng đã dần được phục hồi, đây là thành quả đáng ghi nhận của chương trình 327/CT, 773/ttg và 661, đã góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên cũng như khôi phục hệ sinh thái vốn có của vùng đất phèn.

5. Tài  nguyên khoáng sản

    Theo các tài liệu điều tra địa chất thổ nhưỡng, trên địa bàn huyện Đức Huệ nghèo về khoáng sản. Tài nguyên khoáng sản của huyện chủ yếu là than bùn, tập trung nhiều ở xã Mỹ Quý Tây. Thành phần than bùn có độ tro thấp, mùn cao, lượng khoáng cao, có thể sử dụng làm phân bón hoặc chất đốt. Ngoài ra, trên sông VCĐ từ cửa Rạch Tràm đến đầu kênh Trà Cú Thượng có trữ lượng cát khoảng 1 triệu m3, có thể khai thác để phục vụ xây dựng.

Nhận định chung

    Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đã tạo cho huyện Đức Huệ những thuận lợi cần được phát huy:

    Có vị trí là nằm giữa Campuchia và Tp.HCM, Campuchia và các tỉnh ĐBSCL nên Đức Huệ được xem là một trong những đầu mối giao lưu giữa TP.HCM, các tỉnh ĐBSCL với Campuchia thông qua hai tuyến đường trục của huyện là 838 và 839.

    Khả năng giao lưu đường thủy tốt do nằm dọc theo sông VCĐ với các hệ thống kênh rạch kết nối từ nội vùng ra sông.

    Điều kiện tự nhiên nhìn chung có nhiều thuận lợi:với nền nhiệt và quang năng dồi dào; không bị gió bão, đất không bị nhiễm mặn và nguồn nước tưới phong phú được cung cấp từ hồ Dầu Tiếng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

   Tuy nhiên, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên cũng mang lại cho huyện những hạn chế cần phải chú ý:

   Huyện nằm ở vùng khó khăn của tỉnh Long An, hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện nên khả năng giao lưu đường bộ còn hạn chế.

   Vùng đất bị nhiễm phèn, phân bố không đều đang xen giữa giồng, bưng, trũng nên sẽ gây khó khăn cho phát triển nông nghiệp theo vùng. Đặc biệt huyện là vùng có nguồn nước ngầm rất thấp và có độ khoáng cao. Do đó, khi phát triển cần tận dụng nguồn nước mặt từ Hồ Dầu Tiếng.


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh
«« « 1 2 3 4 5  ... » »»