image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Di tích – Danh thắng - Danh nhân

1. KHU VỰC BÌNH THÀNH

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG TỈNH LONG AN

(Xã Bình Hòa Hưng – huyện Đức Huệ - tỉnh Long An)

Bình Thành là một địa danh xuất hiện khá sớm trong lịch sử khai phá vùng Đức Huệ ngày nay. Từ năm 1867 đã thấy tên Bình Thành thôn là một trong các thôn xã của Tổng Cửu Cư Thượng – huyện Tân Long. Khu vực Bình Thành là vùng đất nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây với trung tâm là Giồng Ông Bạn – xã Bình Thành nay thuộc xã Bình Hòa Hưng thuộc huyện Đức Huệ tỉnh Long An). Trước đây nhân dân trong vùng sống ở ven sông và trên các giồng lớn, phần lớn đất đai còn lại trong khu vực đều hoang vu mọc đầy tràm gió, đưng, năn, lau sậy… Ngày nay, công cuộc khai hoang đã biến đồng bưng thành rộng đồng tươi tốt.

Cùng với sự ra đời và phát triển của những phong trào đấu tranh chống xâm lược, căn cứ khu vực Bình Thành đã trở thành một địa danh lịch sử. Nơi đây, sau khởi nghĩa nam Kỳ, các chiến sĩ cách mạng đã xây dựng căn cứ địa đầu tiên ở Nam bộ để tiếp tục chiến đấu. Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), là quân khu Đông Thành, có một thời gian là căn cứ của Bộ Tư Lệnh khu 7 và Tỉnh Ủy Chợ Lớn. trong 21 năm chống Mỹ, khu vực Bình hành với bề dày truyền thống đã được Tỉnh ủy Long An chọn làm căn cứ để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Căn cứ cách mạng Bình Thành trong kháng chiến chống Mỹ rộng lớn, cơ động, linh hoạt bởi lẽ cuộc chiến rất ác liệt, địch dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt, nên tỉnh ủy Long An phải linh đông dời đổi địa điểm và phạm vi hoạt động  nhiều lần, tuy vẫn bám trụ căn cứ. Di tích khu vực Bình Thành là trung tâm của căn cứ, là nơi tỉnh ủy và các ban ngành của tỉnh đứng chân lâu nhất, các phế tích còn lại rõ nhất. Di tích khu vực Bình Thành được giới hạn bởi kinh Hai Ngàn và tỉnh lộ 839 ở phía Bắc, kinh 62 ở phía Đông, kinh T4 ở phía Tây, kinh 1000 ở phía nam với tổng diện tích 90ha. Đây là vùng trũng thấp có nhiều bưng trấp xen lẫn với những giồng đất cao mọc nhiều loài cây hoang dại như: tràm, đưng, bàng, lau sậy…

Năm 1920 huyện Cửu An được đổi tên thành huyện Thủ Thừa, lúc này di tích thuộc xã Bình Thành, tổng Cửu Cư Thượng, thuộc huyện Thủ Thừa tỉnh Tân An. Địa giới này được giữ nguyên đến năm 1945.

Năm 1946 Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ ra quyết định thánh lập Quân Khu Đông Thành gồm 5 xã: Thạnh Lợi, Bình Hòa, Bình Thành, Mỹ Thạnh, Mỹ Quý. Năm 1949 đổi lại là khu Đông Thành rồi huyện Đông Thành được nhập với huyện Đức Hòa lấy tên là Đức Hòa Thành.

Năm 1959 Ngô Đình Diệm cắt 3 xã của huyện Đức Hòa và 5 xã của huyện Thủ Thừa lập huyện Đức Huệ tỉnh Long An. Đến năm 1963 Ngô Đình Diệm lại cắt huyện Đức Huệ , Đức Hòa của Long An nhập với Trảng Bàng, Củ Chi thành lập tỉnh Hậu Nghĩa.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng ngày 13/3/1976 NĐNN nước CHXHCNVN ra quyết định nhập huyện Đức Huệ, Đức Hòa vào địa giới tỉnh Long An. Di tích lúc bấy giờ thuộc xã Bình Thành – huyện Đức Huệ.

Ngày 13/1/1994, một phần đất của xã Bình Thành được tách ra thành lập một xã mới lấy tên là xã Bình Hòa Hưng. Hiện di tích tọa lạc tại xã Bình Thành và Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Di tích cách thị trấn Đông Thành – Đức Huệ 20km về phía Đông, cách Mỏ Vẹt (biên giới Campuchia) 3km về phía Tây.

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại – trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, di tích ghi đậm nét quá trình ra đời và hoạt động của Tỉnh ủy, Tỉnh đội Long An trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, Tỉnh ủy Long An đã kiên cường bám trụ, trước mọi thủ đạon nhằm hủy diệt của giặc, để lãnh đạo phong trào đấu tranh, góp phần quyết định vào thành tích cao quý TRUNG DŨNG KIÊN CƯỜNG.

Di tích cũng là nơi ghi dấu sự có mặt và hoạt động của Xứ ủy Nam bộ, các cơ quan cao cấp Xứ, cấp Khu, nhiều đơn vị vũ trang của Miền, nhiều nhà lãnh đạo Đảng và quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước;  là bằng chứng cụ thể của quá trình đấu tranh gian khổ và hy sinh cao cả từ buổi đầu kháng Pháp đến chống Mỹ, cứu nước của đồng bào, chiến sĩ không riêng ở Long An mà từ khắp mọi miền đất nước.

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An là nơi hội tụ những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp nhất. Đó là lòng yêu nước, chí quật cường, tinh thần chiến đấu dũng cảm với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của Đảng bộ và nhân dân Long An, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong sự chuyển mình của đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy, nhất thiết phải được bảo tồn và phát huy cao độ. Với những ý nghĩa trên. Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An xứng đáng được bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy tác dụng giáo dục cho thế hệ mai sau.

 

2. DI TÍCH LỊCH SỬ: "KHU HỘI ĐỒNG SẦM"

ĐỊA ĐIỂM THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG TỈNH LONG AN 30/12/1960

(Ấp Tân Hòa xã Bình Hòa Bắc – Đức Huệ - Long An.)

 

Di tích có tên gọi là " Khu Hội Đồng Sầm". Hội đồng Sầm là một địa chủ, người gốc Bà Chiểu – Sài Gòn đến khai phá lập đồn điền trồng cao su và lúa từ trước năm 1922. Toàn bộ đất đai là 32 lô, mỗi lô là 25 mẫu, một nửa ở Bình Hòa Bắc, một nửa ở Bình Thành. Dinh cơ và cơ sở vật chất của tên địa chủ như kho tàng và rất nhiều nhà cửa thì tập trng một khu khoảng 20 mẫu, mọi người gọi là khu hội đồng Sầm, thuộc ấp Hòa Tây ( nay là ấp Tân Hòa – trung tâm xã Bình Hòa Bắc).

Sau năm 1945 đất này thuộc chiến Khu Đông Thành do chính quyền kháng chiến quản lý cấp cho nhân dân và có tên là xóm công đoàn. Ngày 30/12/1960 Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Long An (MTDTGPTLA) ra đời tại trường học của xóm công đoàn (nay là trường tiểu học Nguyễn Văn Nguyên). Tuy nhiên từ đó đến nay cách gọi Khu hội đồng Sầm vẫn mặc nhiên tồn tại và trở thành thông dụng. Ngày nay nhân dân địa hương và các ngành chức năng đều gọi địa điểm này là Khu hội đồng Sầm nơi ghi dấu sự kiện thành lập MTDTGPTLA.

Sau khi đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, chúng nhảy vào miền Nam thành lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Bằng những chính sách cực kì phản động, chế độ phát xít Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp các phong trào yêu nước miền Nam. Trước hoàn cảnh đó cũng như phong trào cách mạng miền Nam ngày càng dân cao ngày 20/12/1960 mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã tập hợp một khối đoàn kết yêu nước vĩ đại và tạo ra một thế đối trọng với kế hoạch bình định mới của Mỹ - Diệm: Xtalây – Talơ.

Long An là hành lang chiến lược của Nam bộ, là trọng điểm kế hoạch Xtalây – Talơ, cuộc đồng khởi 1960 ở Long An càng thấy rõ đã đến lúc phải có một tổ chức công khai kêu gọi đoàn kết chống Mỹ - Diệm, hào nhập cùng phong trào yêu nước miền Nam vùng lên giải phóng Nam bộ.

Trong hoàn cảnh đó ngày 30/12/1960 Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Long An (MTDTGPTLA) ra đời ở "Khu Hội Đồng Sầm"  đánh dấu một bước ngoặc lớn lao, đánh dấu một bước ngoặc lớn lao, trở thành trung tâm đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước của tỉnh , không phân biệt giai cấp, dân tộc, đảng phái, tôn giáo, xu hướng chính trị...để cùng hòa chung vào nhịp đập của phong trào yêu nước miền nam vùng lên giải phóng dân tộc.

Lịch sử đã chứng minh sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc là sức mạnh vô địch. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam nói chung, Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Long An nói riêng là một nhân tố quyết định thắng lợi của nhân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

3. DI TÍCH LỊCH SỬ "KHU VỰC QUÉO BA"

NƠI GHI DẤU CHIẾN CÔNG PHÁ TAN KHU TRÙ MẬT GIẢI PHÓNG HUYỆN ĐỨC HUỆ 18-10-1964.

(xã Mỹ Quý Tây – huyện Đức Huệ - Tỉnh Long An)

 

"Khu vực Quéo Ba" là nơi xưa kia có 3 cây quéo cổ thụ (một loại xoài hoang dại, trái nhỏ, hột to) mọc chung  một chỗ nay thuộc xã Mỹ Quý Tây – huyện Đức Huệ - Tỉnh Long An. Dần dần theo thời gian tên Quéo Ba trở thành địa danh một ấp gọi là Quéo Ba. Tại khu vực này vào 1957 tổng thống Ngụy Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng nơi đây một khu trù mật Quéo Ba. Dưới sức tấn công liên tục của quân và dân Đức Huệ ngày 18-10-1964 khu trù mật đã bị phá hủy hoàn toàn, huyện Đức Huệ được giải phóng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Long An.

Địa danh Quéo Ba đã đi vào lịch sử chống xâm lăng của dân tộc ta, đồng thời ghi dấu tội ác của Mỹ - Diệm đối với nhân dân Đức Huệ trong việc thiết lập khu trù mật, một hình thức kìm kẹp tinh vi.

Với những giá trị cơ bản trên di tích lịch sử "KHU VỰC QUÉO BA" xứng đáng được bảo vệ và phát huy tác dụng trong công tác giáo dục truyền thống.

 

4. DI TÍCH LỊCH SỬ " KHU VỰC BẾN PHÀ ĐỨC HUỆ"

ĐỊA ĐIỀM GHI DẤU CHIẾN THẮNG CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG LONG AN. TRONG TRẬN ĐẤU TIÊU DIỆT MỘT ĐẠI ĐỘI CHỦ LỰC THUỘC SƯ ĐOÀN 07 NGỤY, VÀO NGÀY 12/12/1961.

(Thị trấn Đông Thành – Đức huệ - Long An)

 

Bến phà Đức Huệ là nơi lưu thông, nối dài hai huyện Đức Hòa và Đức Huệ, bị ngăn bởi sông Vàm Cỏ Đông.

Sông Vám Cỏ Đông bắt nguồn từ Campuchia chảy vào nước ta qua tỉnh Tây Ninh, rồi vào Long An làm thành ranh rới thiên nhiên phân chia hai thị trấn Hiệp Hòa (Đức Hòa) và TT Đông Thành (Đức Huệ). Trước kia việc qua lại của nhân dân hai huyện  chủ yếu là xuồng, ghe, đò máy đưa rước. Bến đò lúc đó được gọi là bến đò Mỹ Thạnh Đông đi nhà Thờ Hiệp Hòa và ngược lại. Sau ngày Miền Nam giải phóng, huyện Đức Huệ tiến hành cho đóng  phà qua lại trên sông, giao thông từ đó được nhanh chóng và thuận lợi hơn. Lâu dần thành quen, nhân dân địa phương thường gọi địa điểm này là Bến Phà Đức Huệ.

Di tích "KHU VỰC BẾN PHÀ ĐỨC HUỆ" gắn liền với sự kiện lực lượng vũ trang Long An đánh thắng – diệt gọn – một đại đội chủ lực thuộc sư đoàn 07, Ngụy vào ngày 12/12/1961. Đây là một di tích lịch sử ghi dấu chiến công chống xâm lượt của quân đội ta thời kỳ 21 năm đánh Mỹ - diệt Ngụy trên vùng đất "Long An Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc".

            Với giá trị cơ bản trên, di tích lịch sử: "KHU VỰC BẾN PHÀ ĐỨC HUỆ" xứng đáng được Nhà nước bảo vệ để xây dựng tại đây một công trình tưởng niệm, nhằm phát huy tác dụng của công tác giáo dục truyền thống yêu nước đấu tranh cách mạng, cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

5. DI TÍCH LỊCH SỬ: "KHU VỰC SÂN VẬN ĐỘNG QUÉO BA"

ấp II – xã Mỹ Quý Tây – Đức Huệ - Long An.

 

Sân vận động Quéo Ba nằm trong vùng đấy giồng, thuộc ấp Quéo Ba (nay là ấp II) xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Sở dĩ có tên gọi Quéo Ba theo lời kể của các bô lão địa phương – là do vùng đất này xa xưa rất hoang vu, đầy rừng rậm, thú dữ,… Tại đây lúc trước có 3 cấy Xoài quéo (một loại cây xoài trái nhỏ), tàn cây rất lớn tỏa bóng mát xung quanh. Ba cây xoài này đứng kế nhau, gốc to đến mấy người ôm không xuể, nên đã được dâ ở đây gọi tên cho vùng đất này. Dần dần qua truyền miệng dân gian, dần có sự thay đỗi hành chính khác nhau từng thời kì lịch sử thế nào đi chăng nữa, nhưng ở đây dân địa phương vẫn gọi và nhớ về quê mình bằng hai chử "Quéo Ba".

Tại khu vực sân vận động Quéo Ba, ngày 01/05/1948 đã đi vào lịch sử với sự kiện thực dân Pháp thả bom thảm sát hàng trăm nhân dân các xã của huyện Đức Hòa – huyện Đức Huệ (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), và một số sư sãi người huyện Soài Tiệp (tỉnh Soài Riêng – Campuchia)…. Trong lúc đang tập trung ở đây chuẩn bị tham dự cuộc mit-tinh kỷ niệm ngày lể Quốc Tế Lao Động 01.05.

Di tích: "KHU VỰC SÂN VẬN ĐỘNG QUÉO BA" gắn liền với sự kiện Thực Dân Pháp thả bom thảm sát hàng trăm đồng bào ta vào ngày 1/5/1948, trong khi mọi người ở đây chuẩn bị tham dự cuộc mit-tinh kỷ niệm ngày lể Quốc Tế Lao Động 01.05.

Di tích này còn là một điểm son, một địa chỉ đỏ của Long An: Nơi đây từng là điểm đóng quân và huấn luyện cán bộ chiến sĩ của Quân Khu Đông Thành, một trong những chiến khu nổi tiếng của Cách mạng Miền Nam thời kỳ đầu quân dân ta đứng lên kháng chiến chống Pháp xâm lượt.

Với những giá trị cơ bản trên, di tích lịch sử: "KHU VỰC SÂN VẬN ĐỘNG QUÉO BA" xứng đáng được nhà nước bảo vệ và phát huy tác dụng trong công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

6. DI TÍCH LỊCH SỬ

MIẾU ÔNG LÊ CÔNG TRÌNH

Ấp 4, Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An

 

Di tích lịch sử gọi là Miếu Ông, dân gian thường gọi là Miếu Ông Giồng Đế. Đây là nơi thời tự ông Lê Công Trình một người có công đánh giặc, cứu nước theo truyền thuyết dân gian.

Miếu Ông ngoài chức năng là cơ sở tính ngưỡng dân gian, còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Miếu Ông ngoài chức năng là cơ sở tính ngưỡng dân gian, còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 theo truyền thuyết của dân gian. Miếu Ông là trung tâm tín ngưỡng của nhân dân địa phương, thể hiện khối gắn kết cộng động, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

Trong cuộc cách mạng tháng tám năm 1945, Miếu Ông là nơi thành lập và hoạt động của tổ chức Thanh Niên Tiền Phong, lực lượng nòng cốt góp phần khởi nghĩa thành công trên địa bàn xã Mỹ Thạnh Đông ngày 25-8-195.

Trong 9 năm trường kì kháng chiến chống Pháp, Miếu Ông là địa điểm mở lớp Bình dân học vụ (1948-1952), góp phần quan trọng cho phong trào xóa nạn mù chử ở địa phương lúc bấy giờ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ánh sáng văn hóa, giáo dục trong kháng chiến lan tỏa khắn nơi, soi rọi đến cả những vùng xa xôi hẻo lánh. Đối với người nông dân, việc biết đọc, biết viết là sự đổi đời thực sự mà cách mạng đã mang lại cho họ. Ngoài ra, Miếu Ông còn là địa điểm mít tinh của quần chúng, nơi tổ chức văn nghệ phục vụ nhân dân thời kỳ 9 năm chống  Pháp.

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Miếu Ông là nơi diễn ra nhiều cuộc họp bí mật, trong đó có cuộc họp quyết định phát động quần chúng nổi dậy phá thế kiềm kẹp của địch ở vùng nông thôn, tiến tới giải phóng xã nhà trong phong trào Đồng Khởi 1960-1961, góp phần giải phóng xã nhà huyện Đức Huệ năm 1964. Ngoài ra Miếu Ông còn là địa điểm xử tội, kết án từ hình những tên Việt gian bán nước, tay sai ác ôn có nhiều nợ máu với cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Mỹ Thạnh Đông.

Với những giá trị trên, di tích xứng đáng được bảo vệ, phục hồi, tôn tạo phục cụ tham quan du lịch, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

7. DI TÍCH LỊCH SỬ

ĐỊA ĐIỂM THÀNH LẬP KHU 7, KHU 8, KHU 9

Xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An

 

Địa điểm thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9 tọa lạc tại khu kinh Cùng và rạch Xèo Tràm, làng Bình Hòa, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An (nay thuộc ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Nơi đây, ngày 10/12/1945, Xứ ủy lâm thời Nam Bộ tổ chứ hội nghị thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9. Đây là sự kiện lịch sử, đánh dấu bước công tác quan trọng về tổ chức quân sự - hành chính của Đàng ở Nam Bộ, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến 9 năm trường trì chống thực dân Pháp xâm lược.

Với vị trí đặn thù của vùng sông, rạch chằng chịt, địa hình rậm rạp và đặn biệt là tinh thần yêu nước của nhân dân nơi đây, làng Bình Hòa (nay là Bình Hòa Namvà Bình Hòa Bắc) đã được Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ chọn làm điểm đóng quân ngay sau khi thực dân Pháp nổ súng tại Sài Gòn và đánh lan rộng cách tỉnh ở Nam Bộ.

Di tích còn là địa điểm đóng quân của Văn phòng Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ (lúc bấy giờ gọi là cơ quan Tổng phát hành), tổng hành dinh Khu 7, Quan Y và các đơn vị bộ đội như chi đội 13 và chi đội 15. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và lục lượng vũ trang như Tôn Đức Thắng, Lê Duẫn, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hùng, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Bình, Trần Văn Trà đã từng hoạt động nơi đây. Các đồng chí lãnh đạo đã thể hiện bản lĩnh, ý chí, tinh thần cách mạng cao cả trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp của Nam Bộ lúc bấy giờ, góp phần quan trọng vào tháng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm trên mảnh đất Nam Bộ thành đồng Tổ Quốc. Di tích đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Với tình hình hết sức phức tạp ở Nam Bộ sau cách mạng tháng tám năm 1945, bằng tầm nhìn chiếc lược, Đảng ta đã xây dựng lực lượng vũ trang Nam Bộ thành một khối thống nhấ, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, động viên, kiêu gọi đồng bào Nam Bộ và nhân dân cả nước quyết tâm kháng chiến đến cùng, dù trải qua gian khổ, hy sinh, quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc. Di tích đã gợi cho chúng ta về sức mạnh và truyền thống cách mạng của nhân dân địa phương. Họ đã cưu mang, bảo vệ các cơ quan, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo được an toàn trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, rối ren, phức tạp trước sự đánh phá của kẻ thù xâm lược.

Với những giá trị lịch sử quan trọng trên, di tích Địa điểm thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9 thuộc xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An xứng đáng được bảo vệ, tôn tạo và phát huy tác dụng trong công tác giáo dục truyền thống và tham quan du lịch.

 

8. DI TÍCH LỊCH SỬ

" ĐỊA ĐIỂM ĐẾ QUỐC MỸ THẢM SÁT

NHÂN DÂN VÀM RẠCH GỐC"

 

Rạch Gốc là một con rạch nhỏ chảy từ sông Vàm Cỏ Đông và trong vùng bưng, thuộc xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Do lòng  rạch quanh co, nước chảy siếc nên lâu ngày đất ở hai bên bờ rạch bị xói lở, cây cối bị trốc gốc, lòi rễ vì thế nên nhân dân thường gọi là Rạch Gốc.

Tại nhà ông Võ Văn Cứng, đầu Vàm Rạch Gốc, ngày 27/11 năm Mậu Thân (15/1/1969), đế quốc Mỹ đã thảm sát dã man 16 người dân vô tội trong đó có 3 phụ nữ đang mang thai gần đến ngày sinh. Từ đó về sau, dân nhân thường gọi sự kiện này là vụ thảm sát Vàm rạch Gốc.

Địa điểm đế quốc Mỹ thảm sát nhân dân Vàm Rạch Gốc là nơi ghi dấu tội ác dã man của kẻ thù, là bằng chứng hùng hồn nhất để tố cáo bản chất cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã tiến hành tại Việt Nam.

Địa điểm thảm sát Vàm Rạch Gốc đã đi vào lịch sử với tính chất là một trong những cuộc thảm sát với thủ đoạn đã man, tàn độc nhất của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Mỹ Thạnh Đông nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Di tích địa điểm thảm sát Vàm Rạch Gốc là bằng chứng cho tinh thần quật khởi, lòng yêu nước, quyết tâm bám đất, bám làng, ủng hộ sự nghiệp cách mạng cao cả của người dân Rạch Gốc nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung dù biết rằng họ phải trãi qua những đau thương, mất mắc không gì bù đấp được.

Với những giá trị trên, di tích lịch sử "Địa điểm đế quốc Mỹ thảm sát nhân dân  Vàm Rạch Gốc ngày 27/11 năm Mậu Thân (15/1/1969)"  xứng đáng được bảo vệ, tôn tạo nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ đương thời và mai sau.

 

9. DI TÍCH GIỒNG DINH

Ấp Dinh – xã Mỹ Thạnh Tây – Đức Huệ - Long An

 

"Giồng Dinh" là tên 1 ấp thuộc xã Mỹ Thạnh Tây – huyện Đức Huệ - tỉnh Long An. Nằm về phía Tây Bắc của Thị Xã Tân An (Long An). Trong thời kì kháng chiến chống Pháp lần hai nó thuộc chiến khu Đông Thành, do vị trí đặc biệt của 5 xã Bắc Thủ Thừa; Thạnh Hội; Bình Thành; Mỹ Thạnh; Mỹ Quý. Phần lớn các cơ quan lãnh đạo kháng chiến Cấp Điền; Khu 7, Thành Phố Sài Gòn – Chợ Lớn và một số tỉnh,… đã tập trung về đóng nơi đây. Trước tình hình đó 1946 Ủy Ban Kháng Chiến Miền Nam quyết định thành lập Quân Khu Đông Thành. Một chiến khu có vị trí chiến lượt rất quan trọng. tháng 3-1947 Thực dân Pháp mở cuộc càn quét qui mô lớn vào Đông Thành, trọng điểm là dùng binh chủng dù đánh vào Giồng Dinh nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não ở đây của ta.

Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ. Xứ Ủy Nam Bộ, Khu 7,…. Và tại nơi đây ngày 9/3/1947 trung đội bảo vệ thuộc Chi Đội Hải ngoại IV cùng các lực lượng địa phương đã bẻ gãy cuộc tấn công này, tiêu diệt gọn hai Trung đội lính dù của Thực dân Pháp.

Chiến thắng Giồng Dinh đã tạo niềm tin đối với quân dân ta, khẳng định ta hoàn toàn đánh bại được những lực lượng hiện đại và tinh nhuệ của thực dân Pháp. Chiến thắng Giồng Dinh đã đi vào lịch sử, mãi mãi là niềm tự hào bất diệt của quân dân Đông Thành nói riêng, nhân dân ta nói chung.

 

10. DI TÍCH

MIẾU ÔNG GIỒNG LỚN

 

Di tích có tên gọi là Miếu Ông, dân gian thường gọi Miếu Ông Giồng Lớn, là nơi thờ tự ông Lê Công Trình. Miếu Ông là cơ sở tín ngưỡng dân, đồng thời nơi đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở địa phương.

Miếu Ông tọa lạc tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây,huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Trong cuộc "Nam tiến" của lưu dân người Việt để khai phá vùng đất Nam Bộ dưới thời các chúa Nguyễn vào thế kỷ XVII, cùng Đồng Tháp Mười ngày nay lúc bấy giờ còn hoan vu, thưa thớt bóng người. Đến thế kỷ XVIII, dọc theo lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, giữ những vùng đất trũng đà hình thành một số cao sau này có tên gọi là Giồng Lớn, Giồng Dinh, Giồng Doi, Giồng Đế,…

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, năm 1947, Ủy Ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ quyết định thay đổi tên gọi hành chánh (quận đổi thành huyện, làng đổi thành xã) cũng như chia tách địa bàn một số làng để phù hợp tình hình và thuận lợi trong công tác chỉ đạo thời chiến.

Trên cơ sở đó, làng Mỹ Thạnh Đông được chia làm 3 xã: Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Thạnh Bắc (tên gọi này vẫn tồn tại đến ngày nay). Lúc này, di tích thuộc xã Mỹ Thạnh Tây, huyện huyện Thủ Thừa, tỉnh Tân An.

Thời kì chống Pháp, địch vẫn giữ nguyên cách phân chia địa giới hành chính như củ. Về phía ta, vào năm 1948, Ủy ban Kháng chiến – Hành chánh Nam Bộ ra quyết định thành lập khu Đông Thành gồm các xã ven sông Vàm Cỏ Đông là: Mỹ Thạnh ĐÔng, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Thạnh Bắc, Bình Hòa Bắc, Bình Hòa Nam, Bình Thành, Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây.

Lúc bây giờ, di tích thuộc xã Mỹ Thạnh Tây, khu Đông Thành. Năm 1949, khu Đông Thành đổi thành huyện Đông Thành, tỉnh Chợ Lớn. Năm 1951, huyện Động Thành được sát nhập với huyện Đức Hòa, lấy tên là Đức Hòa Thành, thuộc Gia Định Ninh.

Năm 1956, tổng thống ngụy quyền Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 143/NV thành ;ập tỉnh Long An trên cơ sở sát nhập tỉnh Tân An và tỉnh Chợ Lớn. Lúc bây giờ xã Mỹ Thạnh Tây thuộc quận Thủ Thừa, tỉnh Long An. Năm 1959, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 48/NV/PTT thành lập quận Đức Huệ gồm 5 xã phía bắc quận Thủ Thừa và 3 xã của quận Đức Hòa. Theo sắc lệnh này, từ ngày 03/03/1963, ngụy quyền Sài Gòn lại cắt hai quận Đức Hòa và Đức Huệ của tỉnh Long An sát nhập với quận Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh và quận Củ Chi của tỉnh Gia Định để thành lập tỉnh Hậu Nghĩa.

Từ đó đến ngày miền Nam giải phóng, di tích thuộc xã Mỹ Thạnh Tây, quận Đức Huệ, tỉnh Hậu Nghĩa.

Sau khi nước nhà thống nhất Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 19-NQ/TW  ngày 20/12/1975 về việc điều chỉnh hợp nhất, lấy tên chung là tỉnh Long An. Từ đó đến nay, Miếu Ông Giồng Lớn thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh
«« « 1 2 3 4 5  ... » »»