Ý nghĩa thiết thực của Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện Đức Huệ
Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521 lấy ngày 19 tháng 8 hằng năm là "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Đây là văn bản quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa và sự đóng góp to lớn của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nói riêng. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Việc tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân tham gia vào sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Thông qua đó để phát huy tinh thần cảnh giác cách mạng của các tầng lớp Nhân dân hướng đến mục tiêu đưa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực sự trở thành phong trào tự giác của toàn dân, mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên của Nhân dân.
Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là cơ sở để tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hoá ở cộng đồng dân cư, đảm bảo tính ổn định để phát triển các mô hình sản xuất và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở từng thôn, xóm, bản, làng, khu phố, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm; quản lý, giáo dục, cảm hoá người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư. Biểu dương khen thưởng kịp thời những quần chúng Nhân dân tiêu biểu trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm.
Sau 19 năm tổ chức triển khai, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò tham mưu nòng cốt, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và Ngày hội trên địa bàn huyện Đức Huệ được tổ chức bài bản, đi vào nề nếp, để lại những dấu ấn và có sức lan tỏa cao rộng khắp.

Thông qua các hoạt động Ngày hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến an ninh, trật tự, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong Nhân dân; các lực lượng làm công tác an ninh trật tự ở cơ sở ngày càng được xây dựng, củng cố vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ đó, nhiều cách làm hay, nhiều mô hình điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự đã được xây dựng và phát huy hiệu quả, đã làm phong phú về nội dung và hiệu quả các hình thức tập hợp Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Ban Chỉ đạo ANTT, Tổ bảo vệ ANTT, lực lượng Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ngày càng được củng cố về số lượng và chất lượng; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn huyện.

Để phát huy hơn nữa giá trị to lớn của “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện Đức Huệ ngày càng phát triển bền vững, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, cùng sự tích cực ủng hộ, tham gia hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân; lực lượng Công an các cấp, Bảo vệ dân phố, bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục sẵn sàng chủ động với vai trò là nòng cốt.
Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; ý thức cảnh giác, tính tự giác, tự nguyện, tự phòng, tự giải quyết; thường xuyên tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, những kinh nghiệm hay, những việc làm sáng tạo; nâng cao chất lượng phong trào ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội của các cơ quan thực thi công vụ; nội dung của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được gắn kết, lồng ghép một cách linh hoạt, sáng tạo với các nội dung phong trào, cuộc vận động khác ở địa phương, nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng, lan tỏa. Mặt khác tích cực chăm lo kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở với chăm lo kiện toàn lực lượng Công an các cấp, Ban Chỉ đạo ANTT, Tổ bảo vệ ANTT, lực lượng Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đủ mạnh; đồng thời phát huy vai trò của Bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, trưởng ấp, khu phố, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, làm điểm tựa nòng cốt cho phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực, bảo đảm an ninh trật tự góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương.