Thời gian qua, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An nói chung, huyện Đức Huệ nói riêng từng bước cho tín hiệu rất khả quan. Các sản phẩm làm ra đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, theo các mô hình VietGAP, GlobalGAP.
Đây chính là cơ hội để bà con nông dân từng bước tiếp cận, thay đổi tư duy, tiếp thu nhận thức mới, kiến thức mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, ngày càng khẳng định mình là những người nông dân thời hội nhập.
Qua thời gian thực hiện Nghị quyết 09-NQ/HU của huyện ủy Đức Huệ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với cây chanh và con bò giai đoạn 2021-2025. Hiện, tổng đàn bò của huyện đạt 10.161 con, trong đó có 4.100/4.500 con được ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, đạt 91,1% nghị quyết. Diện tích chanh toàn huyện là 2.845 ha. Trong đó, Cây chanh ứng dụng công nghệ cao đạt 186/620 ha, đạt 30% Nghị quyết.
Nhằm tìm hướng đi cho nông dân huyện biên giới bắt kịp xu hướng vận dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ nông sản phẩm thông qua các nền tảng mạng xã hội, tích cực tham gia chuyển đổi số và biết cách đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử,... Những năm gần đây, Hội nông dân huyện Đức Huệ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân trong việc phát triển sản xuất - kinh doanh, như: hỗ trợ vốn, cây con giống, chuyển giao KH-KT, hội thảo, mở lớp dạy nghề; nâng cao trình độ, năng lực của nông dân theo hướng “tri thức hóa nông dân”. Từ đó, giúp nông dân làm chủ công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại và làm giàu từ nông nghiệp.
Nhắc đến nông dân Đức Huệ, phải nhắc đến “Vua chuối” Huy Long An. Ông là người mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp và chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Toàn bộ trang trại của ông ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ đều được đầu tư khép kín và sử dụng công nghệ trong tất cả các các khâu từ khâu làm giống, trồng, thu hoạch và đóng gói xuất khẩu chuối. Chính vì vậy mà trang trại Huy Long An được xem là điểm nhấn trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Long An.
Bên cạnh đó, nhiều nông dân Đức Huệ cũng mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: HTX NN DV Thủy sản Mỹ Thạnh Tây của anh Lê Văn Thông, tổ hợp tác trồng lúa ứng dụng công nghệ cao ấp 1, xã Mỹ Thạnh Đông, tổ hợp tác nuôi bò thịt theo hướng ứng dụng công nghệ cao, trồng chanh sử dụng hệ thống tưới thông minh, nuôi gà công nghệ sinh học;...
Ông Đặng Văn Sinh – Chủ tịch Hội nông dân huyện Đức Huệ, cho hay: “Thực hiện chuyển đổi số, hiện nay Đức Huệ có khoảng 80% hội viên nông dân cài đặt, sử dụng nền tảng số nông dân Việt Nam để nắm bắt kịp thời các thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác Hội và phong trào nông dân; cũng thông qua app này, từng hội viên nông dân dễ dàng tìm hiểu, biết được hướng chỉ đạo, điều hành của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, qua đó thành lập, tham gia các nhóm hội viên để kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP…tại địa phương mình”.
Theo số liệu của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, đến nay, Đức Huệ có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm: Mắm chua cá Lia Thia Út Lớn, Cơm cháy đáy nồi Bihola Food và Ếch sấy khô 1 nắng Út Tơn.
Để khẳng định mình là người nông dân thời hội nhập, nông dân Đức Huệ đã sử dụng internet, mạng xã hội để cập nhật kiến thức sản xuất, nuôi trồng đạt hiệu quả, đồng thời sử dụng lợi thế của mạng xã hội để kết nối quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường bán hàng, xây dựng thương hiệu. Điển hình là cơ sở mắm cá lia thia Út Lớn (ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông).
Từ chuyện “làm chơi để ăn trong nhà”, bà Đoàn Thị Út đã phát triển thành Cơ sở Mắm cá lia thia Út Lớn, đạt chuẩn OCOP 3 sao, và đang trong quá trình xây dựng thương hiệu lên chuẩn OCOP 4 sao.
Bên cạnh “chiến lược” quảng bá sản phẩm trực tiếp tại các Hội chợ thương mại, triển lãm trong và ngoài tỉnh, bà Út Lớn còn gián tiếp quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội. Nhờ đó, thị trường mắm cá lia thia Út Lớn đã “tỏa hương” từ Long An sang Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM,... với số lượng 6.000 hũ/tháng. Hiện mắm cá lia thia Út Lớn cũng đã có mặt trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada,... Ngoài ra, cơ sở của bà Út Lớn cũng đã xây dựng được kênh bán hàng trên tiktok shop, với số lượng đơn hàng bán ra khoảng 1.000 đơn.
Hay anh Đỗ Lý Trường Thọ - Chủ hộ kinh doanh sản phẩm cơm cháy đáy nồi Bihola Food, ở ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc cũng đã tận dụng công nghệ 4.0 để tập trung chuẩn bị cho mình các kỹ năng bán hàng online thông qua nền tảng tiktok.
Nhằm cao hiệu quả việc quảng bá các sản phẩm là đặc sản của quê hương Đức Huệ, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Năm 2023, huyện Đức Huệ cũng đã xây dựng được mô hình “Quầy hàng sản phẩm thương hiệu quê hương Đức Huệ” tại khu phố 2, thị trấn Đông Thành.
Và 1 điều đáng vui mừng và vinh dự cho nông dân huyện Đức Huệ, đó chính là một số mặt hàng nông sản phẩm đặc trưng của huyện cũng đã có mặt tại các Hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, như: Chuối Fola, dừa xiêm lục, Chanh không hạt, khoai từ, gạo ST, đồ mỹ nghệ từ lục bình,...rất được khách hàng quan tâm lựa chọn.
Có thể nói, thời kỳ hội nhập chính là cơ hội để nhà nông có thể phát triển sản phẩm của mình lên tầm cao mới. Nhưng, thách thức cũng đặt ra là làm thế nào để sản phẩm làm ra không những đáp ứng tốt được nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính, từ đó mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Anh Đỗ Lý Trường Thọ chia sẽ: “Hiện tại, người nông dân đang gặp khó khăn, lạ lẫm với quảng bá, bán hàng online, trên sàn điện tử. Do đó, chúng tôi rất cần ngành chức năng huyện, tỉnh tiếp tục quan tâm tập huấn, hướng dẫn các bước thực hiện, đăng ký để vừa đảm bảo nội dung vừa đúng theo quy định pháp luật”.
Trong kỷ nguyên sản xuất 4.0, bên cạnh sự năng nổ, nhạy bén của chính người nông dân thì phải luôn có sự đồng hành của các cấp, các ngành, vai trò này đặc biệt quan trọng trong kết nối thị trường, chuyển giao KHKT.
Từ thực trạng này, Hội nông dân huyện Đức Huệ cũng đã tập trung đề ra các giải pháp hỗ trợ cho nông dân huyện nhà trong thời gian tới, đó chính là: tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ hội các cấp về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế; quảng bá hình ảnh quê hương, con người, nông sản hàng hóa và tổ chức hội nông dân với bạn bè trong và ngoài nước.
Chủ động phối hợp các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Triển khai, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ mới theo chuỗi giá trị đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng, như: VietGAP, GlobalGAP…
Tiếp tục phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”
Xây dựng các chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và mua, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Tổ chức đưa cán bộ, hội viên nông dân đi nghiên cứu, học tập các mô hình hiệu quả trong sản xuất và thương mại nông nghiệp trong, ngoài nước để qua đó có thể học hỏi và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tin rằng với những cách làm đột phá và bài bản, trong tương lai, các sản phẩm nông nghiệp của Đức Huệ sẽ có mặt không chỉ ở trong tỉnh, khu vực mà ở khắp trong nước và ra nước ngoài. Góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ỏ huyện ngày càng phát triển, bền vững.