Ngược dòng lịch sử, cách đây 50 năm, vào ngày 28/4/1975, quân và dân huyện Đức Huệ đã khóc vỡ òa trong niềm vui của ngày hoàn toàn giải phóng. Sau bao năm sống trong bom đạn, đầy rẫy sự hy sinh, người dân nơi vùng biên này lần đầu tiên được cảm nhận trọn vẹn hương vị của tự do.
Mặc cho bom cày, đạn xéo, vùng trắng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế Quốc Mỹ đã hồi sinh. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cùng những quyết sách đúng đắn, huyện Đức Huệ - một mảnh đất mang đậm dấu ấn lịch sử đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, vực dậy tiềm năng theo hướng trở thành vùng đệm sinh thái phát triển đô thị vệ tinh và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Long An trong tương lai.
Tháng 4 lại về, tháng 4 không chỉ là mùa của nắng vàng mà còn là mùa của những câu chuyện trở về. Mang theo tâm trạng háo hức, nôn nao tìm về những ký ức ngày ấy, chúng tôi thực hành ngay chuyến hành trình về thăm các di tích lịch sử văn hóa của huyện Đức Huệ - những chứng tích góp phần tạo nên diện mạo và bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng quê anh hùng.
Với bề dày lịch sử, Đức Huệ có tổng cộng 12 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó 11 di tích được xếp hạng cấp tỉnh do huyện quản lý và 1 di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc Gia đó là khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An do tỉnh quản lý.
Trong đó có 11 tích lịch sử - văn hóa được gắn mã QR, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan dễ dàng tìm hiểu được hình ảnh, các thông tin chi tiết về di tích lịch sử đó, mà không cần người thuyết minh. Đây cũng là cách huyện Đức Huệ phát huy hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các địa chỉ đỏ, địa danh trên địa bàn huyện biên giới.
Dừng chân tại khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An, tọa lạc tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tôi cảm nhận không khí nơi đây trầm mặc và linh thiêng. Sau khi thắp hương tại Đền Tổ Quốc Ghi Công, tôi bước nhanh chân để theo kịp cùng đoàn tham quan cũng đang có mặt tại đây.
Men theo con đường nhỏ dẫn sâu vào rừng tràm, dưới sự hướng dẫn của anh hướng dẫn viên, cả đoàn người chợt lặng đi trước những hố bom loang lổ, những hầm bí mật vẫn còn nguyên vẹn giữa rừng tràm xanh mướt. Giọng nói truyền cảm đã đưa chúng tôi gần hơn với từng câu chuyện kể về những trận đánh, những tấm gương hy sinh anh dũng của chiến sĩ và đồng bào địa phương, khiến ai nấy không khỏi xúc động và tự hào.
Rời xã biên giới Bình Hòa Hưng, chúng tôi tiếp tục hành trình về thăm xã biên giới Mỹ Quý Tây – nơi có di tích lịch sử khu vực sân vận động Quéo Ba. Tiếp chúng tôi, chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Tây - Dương Văn Lam, cho biết: Nhằm tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ trong vụ thảm sát, Binh đoàn 16 phối hợp với UBND huyện Đức Huệ tiến hành xây dựng Công trình bia tưởng niệm vụ thảm sát tại sân vận động Quéo Ba với diện tích 165 mét vuông, tổng kinh phí 592 triệu đồng. Bia được xây dựng tại khuôn viên Trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng xã. Công trình được khánh thành vào ngày 8/5/2018.
Sân vận động Quéo Ba ngày nay đã khoác lên mình lớp áo mới, nhưng ít ai biết rằng, nơi đây từng là một phần của chiến trường ác liệt. Sân vận động Quéo Ba thuộc ấp Quéo Ba, xã Mỹ Quý, Khu Đông Thành, trực thuộc Khu 7 (nay là ấp 2, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) là địa điểm ghi dấu vụ thực dân Pháp thảm sát cán bộ, chiến sỹ và nhân dân dự mít tinh chào mừng Ngày Quốc tế lao động 1/5 do Liên quân C và Khu Đông Thành tổ chức nhằm biểu dương lực lượng với các hoạt động văn nghệ, thể thao, trưng bày chiến tích, chiến lợi phẩm. Sở dĩ có tên gọi ấy là do ở khu vực này có 3 cây quéo cổ thụ mọc chung một chỗ.
70 năm trước, Ngày 1/5/1948 (nhằm ngày 23/3 âm lịch), buổi lễ mít ting diễn ra tại ấp Quéo Ba với sự tham dự của các Liên quân A, B, C, đại biểu từ Campuchia, đại biểu Biệt động quyết tử Sài Gòn – Chợ Lớn cùng hàng trăm người dân trong vùng và tỉnh Tây Ninh, tỉnh Svay Riêng (Campuchia).
Khoảng 16 giờ ngày 1/5/1948, khi các đại biểu và người dân đang xem trận đấu bóng đá giữa Chi đội 12 và Chi đội Hải ngoại thì một nhóm 6 chiếc máy bay của thực dân Pháp ném bom thẳng xuống khu vực sân vận động Quéo Ba. Loạt bom đầu tiên khiến hai đồng chí Lâm Hữu Vị và Trịnh Minh Duyên hy sinh.
Tiếp đó, những loạt bom thi nhau dội xuống sân vận động và các khu vực xung quanh khiến hơn 300 chiến sĩ, đồng bào hy sinh. Suốt đêm đó, chiến sĩ cùng nhân dân địa phương soi đèn cứu chữa những người bị thương, tìm kiếm, chôn cất những người tử vong...
Vụ thảm sát tại sân vận động Quéo Ba được xem là vụ thảm sát lớn do thực dân Pháp gây ra ở Việt Nam, đã giết hại hơn 300 đồng bào, chiến sỹ. Năm 1991 huyện Đức Huệ đầu tư xây dựng mộ tập thể phía tây Quéo Ba để tưởng niệm những người đã mất trong vụ thảm sát.
Và còn nhiều nữa những câu chuyện gắn liền với các địa danh, tên tuổi anh hùng đã đi v ào lịch sử trên vùng đất Đức Huệ, như: Địa điểm Đế quốc Mỹ thảm sát nhân dân Vàm Rạch Gốc; Địa điểm thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9; Di tích Giồng Dinh;...
Sau ngày 30/4/1975, giải phóng rồi, nhưng Đức Huệ lại tiếp tục trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới trong chiến tranh biên giới Tây Nam Tổ quốc (1977- 1979), làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, góp phần giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.
Đã có hơn 2830 anh hùng liệt sĩ ngã xuống, 1690 liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa Trang nơi đây. Những cái tên đã đi vào bất hữu như Nguyễn Văn Thể, Lê Văn Rỉ, Nguyễn Văn Nguyên, Nguyễn Văn Bửu, Ngô Văn Lớn, những cái tên được khắc ghi và và còn rất nhiều những liệt sĩ vô danh khác. Toàn huyện có 132 người bị nhiễm chất độc hóa học, 324 mẹ Việt Nam anh hùng đã dâng hiến những người con cho tổ quốc thân thương với tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Đức Huệ đã trở thành một vùng đất anh hùng, được Nhà nước trao tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Niềm kêu hãnh đó đã góp vào danh hiệu cao quý “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của tỉnh Long An.
Chuyến đi không chỉ giúp chúng tôi hiểu thêm về lịch sử của quê hương, của dân tộc, mà còn nhắc nhở bản thân phải sống xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha anh.
Đức Huệ hôm nay đã khác – là huyện biên giới đang vươn mình mạnh mẽ, là vùng đất của hòa bình và hy vọng. Theo ông Nguyễn Văn Tâm – Nguyên chủ tịch UBND huyện, nguyên Bí thư huyện ủy huyện Đức Huệ (2010-2015), Trong quá trình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương, Đức Huệ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống anh hùng, dũng cảm, đoàn kết, tin dân, biết dựa vào sức mạnh to lớn của nhân dân; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khéo léo vận dụng đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đức Huệ đã nhanh chóng vươn lên, cùng với các địa phương khác trong tỉnh xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển.
Năm 2024, tổng sản lượng lúa toàn huyện đạt 250.867 tấn, đạt 104,5% nghị quyết. Trong đó lúa chất lượng cao đạt 151.021 tấn. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh và con bò tiếp tục được thực hiện theo lộ trình với diện tích chanh là 360/220 ha, đạt 163,6% nghị quyết. Tổng đàn bò UDCNC ước đạt 4.500 con, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đến nay, huyện có 1 xã đạt NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM và xã Mỹ Thạnh Bắc đạt danh hiệu xã tiêu biểu của tỉnh; thị trấn Đông Thành được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Những kết quả này đã góp phần ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Đức Huệ quê tôi hôm nay đã “thay da, đổi thịt” vươn mình phát triển, đang từng ngày khoát lên màu áo nông thôn mới, đô thị văn minh. Cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ; Những con đường được trải nhựa, những cây cầu bê – tông nối nhịp bờ vui, giúp kết nối các khu vực và rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm và các xóm, ấp; Nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí phong phú giúp nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng. Một vùng đất anh hùng trong chiến tranh nay đã trở thành một vùng quê giàu đẹp, nghĩa tình và thật đáng sống.
Những thành tựu của huyện Đức Huệ sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển chính là “những điểm sáng” minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết tâm vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân cùng các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Ký ức là những điều đã qua nhưng chưa bao giờ mất. Lớp trẻ chúng tôi – những thế hệ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, mọi thứ có thể thay đổi, nhưng ký ức thì vẫn ở lại. Trong lòng người dân nơi đây, ký ức Tháng Tư không bao giờ cũ. Mỗi lần tháng Tư về, lại có biết bao câu chuyện được kể lại – nhắc ta nhớ về những ngày đã qua, và biết ơn những người đã đi trước để hôm nay ta được sống trong hòa bình, tự do.