Trên tinh thần văn bản liên tịch đã ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội, ngay từ đầu năm mỗi năm, Hội LHPN huyện Đức Huệ đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo và hợp đồng ủy thác ký với Hội phụ nữ các xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc Hội LHPN quản lý tốt nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của Ngân hàng chính sách xã hội về cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.
Tính đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã thực hiện được 13 chương trình cho vay với tổng dư nợ ủy thác thông qua các chương trình cho vay hơn 298 tỷ đồng, 213 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng số hộ vay là trên 8.168. Nợ quá hạn 470 triệu đồng, tỷ lệ 0,16%. Nợ khoanh 252 triệu đồng, tỷ lệ 0,09%. Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý 73 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, dư nở hơn 103 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,67% trên tổng dư nợ ủy thác, tăng 34 tỷ 032 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ tăng 49,14%, với 2.794 hộ còn dư nợ. Nợ quá hạn là 51 triệu đồng, tỷ lệ là 0,05%, giảm 130 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ 2016 - 2026, tỷ lệ giảm 71,82%.
Để chương trình ủy thác cho vay mang lại hiệu quả thiết thực bà Huỳnh Thị Phương Quyên – Chủ tịch Hội LHPN cho biết: Thời gian qua Hội LHPN huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, tín dụng theo quy định tại Nghị định số 11 của Chính phủ đến các Hội LHPN ở cơ sở cũng như ở các Tổ Tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chỉ thị, kết luận, quyết định của cấp trên và các văn bản chỉ đạo của ngành dọc để thực hiện tốt nguồn vốn chính sách tại các xã – thị trấn. Đồng thời, các tổ Tiết kiệm và vay vốn phối hợp, rà soát, lập danh sách các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để chọn đúng các hộ có đủ điều kiện làm cơ sở cho vay theo đúng quy định. Và phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện rà soát, nhận diện đúng đối tượng thụ hưởng để giải ngân kịp thời, nghiêm túc thực hiện các quy trình cho vay, đảm bảo cho vay đúng đối tượng. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện còn thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra giám sát định kỳ, nhất là kiểm tra vốn sau 30 ngày giải ngân để đảm bảo công tác quản lý vốn tại cơ sở đặc biệt là tại các tổ vay vốn…
Việc quản lý ủy thác của Hội LHPN được thể hiện nổi bật ở các mặt trong thời gian qua như: về dư nợ ủy thác cho vay của Hội LHPN chiếm tỷ trọng là 34,67% trong tổng dư nợ ủy thác, đứng đầu trong 04 Hội đoàn thể; về nợ quá hạn của Hội LHPN là 51 triệu đồng, chiếm tỷ lệ là 0,05%, thấp nhất so với 04 đoàn thể; về huy động tiền gửi Hội LHPN có 100% tổ có số dư tiền gửi là 2.778 hộ gửi, chiếm 99,43% tổng số hộ vay với số dư tiền gửi là 9 tỷ 209 triệu đồng; Về tỷ lệ thu lãi bình quân trong 05 năm của Hội Phụ Nữ đạt 99,9%. Công tác thu lãi đạt kết quả tốt.
Có thể thấy thời gian qua chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn do hội LHPN quản lý khá tốt, cụ thể qua đánh giá kết quả xếp loại tổ hàng năm chất lượng xếp loại tổ luôn được giữ vững, có 69 tổ loại tốt, chiếm tỷ lệ 94,52%, có 4 tổ loại khi chiếm tỷ lệ 5,48%, không có tổ xếp loại trung bình, yếu kém.
Bà Huỳnh Thị Phương Quyên cho biết thêm: "Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách, Hội LHPN huyện và xã, thị trấn còn tồn tại một số điểm hạn chế, đó là nợ quá hạn vẫn còn cao, nợ lãi tồn vẫn còn còn tương đối nhiều, công tác kiểm tra giám sát của Hội ở một số xã chưa được thực hiện thường xuyên và chặt chẽ, công tác lưu trữ hồ sơ, sổ sách ở một số hội, tổ trưởng còn thiếu theo danh mục quy định…"
Để thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Đức Huệ tiếp tục quan tâm đến công tác nội dung ủy thác cho cán bộ hội cấp dưới thực hiện trực tiếp công tác ủy thác khi có thay đổi. Hội LHPN các cấp cần phối hợp với các Tổ Tiết kiệm và vay vốn nắm bắt nhu cầu và phương án vay vốn hiệu quả để tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các cấp phối hợp với các ngành chuyên môn nghiên cứu và lựa chọn các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, có khả năng tiêu thụ trên thị trường giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trong sản xuất chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn vay, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Kim Tiến