Kết thúc chiến tranh, huyện Đức Huệ có 1.632 liệt sĩ, 568 thương bệnh binh; 4.088 gia đình có công với nước; 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (giai đoạn 2016-2018, toàn huyện có 71 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng), 6 cá nhân được tuyên dương anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Huyện Đức Huệ và 8/11 xã, thị trấn được Đảng và Nhà nước phong tặng đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ảnh: Ông Nguyễn Thanh Nguyên - Chủ tịch UBND huyện.
Tự hào về truyền thống đó, những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng huyện Đức Huệ luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện việc làm tri ân đối với các gia đình chính sách và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Vẹn lòng tri ân
Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây",những năm qua, phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Đức Huệ tiếp tục được quan tâm, thể hiện tình cảm sâu nặng, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và thế hệ hôm nay đối với các gia đình chính sách. Hiện nay, huyện Đức Huệ có 19 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 309 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 123 bệnh binh; 169 người có công giúp đỡ cách mạng...nhận trợ cấp hàng tháng. Ngoài chăm lo thực hiện các chế độ theo quy định, địa phương còn quan tâm thực hiện tốt các chính sách ưu đãi cho người có công, chăm lo giúp đỡ các gia đình chính sách. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, huyện đã tiếp nhận các nguồn vận động đóng góp, hỗ trợ, xây dựng và trao tặng 44 căn nhà tình nghĩa, 76 căn nhà tình thương cho gia đình chính sách, hộ nghèo với số tiền trên 6 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018 là 21 căn với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Ảnh: Vụ công tác phía Nam Ban Nội chính Trung ương trao tặng nhà tình nghĩa cho GĐCS xã Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ).
Hằng năm, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), huyện Đức Huệ tập trung đẩy mạnh các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" như: thắp nến tri ân, họp mặt truyền thống, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, tổ chức các đoàn dâng hương và viếng Nghĩa trang liệt sĩ huyện, tổ chức các hoạt động "Về nguồn" ở Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An; Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2018, huyện đã tập trung xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử của địa phương: Bia Chiến thắng Giồng Dinh, Bia Chiến thắng Quéo Ba; xây dựng mới Bia tưởng niệm vụ thảm sát ở Kinh Lò Đường xã Bình Hòa Nam, Bia tưởng niệm vụ thảm sát tại Sân vận động Quéo Ba…đã tạo nên một điểm nhấn trong thực hiện đạo lý"Uống nước nhớ nguồn".

Ảnh: Các đồng chí lãnh đạo cắt
băng khánh thành Bia tưởng niệm vụ thảm sát tại Sân vận động Quéo Ba (xã
Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ).
Vươn lên ổn định cuộc sống
Bên cạnh phát huy tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, huyện Đức Huệ còn quan tâm chăm lo thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm để các gia đình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, toàn huyện tổ chức 54 lớp dạy nghề: trồng nấm rơm, trồng chanh, chăn nuôi bò...góp phần giải quyết việc làm cho 5.490 lao động nông thôn; đồng thời các hộ gia đình thường xuyên được hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Thông qua các chương trình này,nhiều hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thành hộ khá giả, giúp đỡ nhiều lao động địa phương có công ăn việc làm với thu nhập ổn định. Ước tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 8,78%. Hiện tại, toàn huyện có 45/51 ấp khu phố văn hóa, 34 khu dân cư có nhà văn hóa; 9/11 Trung tâm Văn hóa Thể thao- Học tập cộng đồng có trụ sở riêng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập, giao lưu văn hóa văn nghệ… đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ảnh: Phụ nữ khối LLVT TpHCM tặng quà cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn huyện Đức Huệ.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020", thời gian qua, huyện Đức Huệ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác giảm nghèo, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hoá, y tế và giáo dục. Các phong trào "Tết vì người nghèo", "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo"…được các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp và cá nhân chủ động tham gia thực hiện. Đặc biệt, thông qua sự vận động của Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, các đơn vị: Công ty cổ phần Mai Linh, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, câu lạc bộ thể dục thể thao Công viên Lê Văn Tám (Thành phố Hồ Chí Minh) đã hỗ trợ trên 07 tỷ đồng, mua 500 con bò giống trao tặng cho các hộ nghèo trên địa bàn các xã biên giới của huyện. Qua đó đã góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân, nhất là người nghèo.
Đức Huệ hôm nay đã từng bước chuyển mình và thay màu áo mới. Đây là món quà, là thành quả từ sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà, sự trợ lực kịp thời từ lãnh đạo Trung ương, tỉnh và cộng đồng xã hội. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thời gian tới, huyện Đức Huệ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân hảo tâm để công tác đền ơn đáp nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được đồng bộ, hiệu quả, bền vững./.
Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ Nguyễn Thanh Nguyên