Ảnh: Chân dung Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Phạm Văn Trấn.
Từ trung tâm thị trấn Đông Thành huyện Đức Huệ, có đường tỉnh 838 đến Cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây, là tuyến giao thông huyết mạch mang tính kết nối gần nhất từ biên giới về Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế – văn hóa giữa các địa phương trong và ngoài huyện, có lợi thế phát triển dịch vụ – thương mại (xuất nhập khẩu qua biên giới) và thu hút vốn đầu tư từ ngoài vào (kinh tế trang trại, dịch vụ – thương mại, phát triển khu, cụm công nghiệp...). Ngoài ra, Đức Huệ với hệ thống thủy lợi kênh mương nội đồng hoàn chỉnh, qua sông Vàm Cỏ Đông tiếp nhận nguồn nước ngọt bổ sung từ hồ Dầu Tiếng sẽ phát huy được thế mạnh sản xuất nông sản hàng hóa đặc trưng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như: lúa, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và lâm sản,...
Với địa hình 3 vùng đan xen (ven sông, giồng và bưng) đã tạo cho trồng trọt của huyện mang tính đa dạng, phát triển nông nghiệp với hình thức đa canh trên nền đất lúa, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa đi vào sản xuất thâm canh, chuyên canh, nhiều mô hình sản xuất đạt giá trị tăng thêm trên một đơn vị diện tích, thực hiện có hiệu quả như: vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, hình thành chuỗi liên kết phát triển cánh đồng lớn được 2.570 ha; vùng sản xuất chuyên canh cây chanh 1.775 ha, tập trung ở hai xã Bình Hòa Nam và Bình Thành; trồng chuối cấy mô xuất khẩu trên 200 ha ở Mỹ Bình và thị trấn Đông Thành.
Về chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao với 03 mô hình/ tổng đàn 121 con (có 67 con sinh sản), huyện có 07 tổ hợp tác với 106 thành viên, nuôi 679 con bò và 01 hợp tác xã với 16 thành viên nuôi 181 con bò; ngoài ra mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt công nghệ cao của Công ty TNHH Huy – Long An (xã Mỹ Bình) duy trì hiệu quả với số lượng đàn bò hàng ngàn con.

Ảnh: Huyện Đức Huệ phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao.
Huyện có Cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây hiện đã có sự giao lưu và giao thông biên giới giữa hai nước Việt Nam – Campuchia thông qua cửa khẩu với mức độ hoạt động ngày càng phát triển. Huyện có nhiều tiềm năng để phát triển hoạt động du dịch như: du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu, tham quan Khu Di tích Lịch sử cách mạng tỉnh Long An được công nhận cấp quốc gia, với diện tích gần 100 ha được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 9/2017, hàng năm đã tiếp đón nhiều lượt khách đến du lịch, tham quan tìm hiểu và nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động "Về nguồn"... đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí và giáo dục truyền thống cách mạng.

Ảnh: Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An tọa lạc tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ.
Ngoài ra, vẫn còn lưu lại nhiều địa danh vang bóng một thời, phản ánh quá trình hoạt động của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như: Bia chiến thắng Giồng Dinh (Mỹ Thạnh Tây – 1947), nơi đặt tổng hành dinh của Trung tướng Nguyễn Bình; Bia tưởng niệm vụ thảm sát tại Sân vận động Quéo Ba (Mỹ Quý Tây – 1948); di tích lịch sử địa điểm thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9 (Bình Hòa Nam – 1945), nơi ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển lực lượng vũ trang Khu 7 (nay là Quân khu 7); Bia tưởng niệm vụ thảm sát Kênh Lò đường (Bình Hòa Nam – 1948)...

Ảnh: Các đồng chí lãnh đạo căt
băng khánh thành Bia tưởng niệm 64 nạn nhân vụ thảm sát Kênh Lò Đường
(xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ).
Bên cạnh đó, Đức Huệ có 03 dự án năng lượng điện mặt trời được đầu tư xây dựng theo quy hoạch phát triển của tỉnh, với tổng diện tích mặt đất sử dụng là 1.137,5 ha, tổng vốn đầu tư 21.203 tỷ đồng, hiện đã khởi công xây dựng 02 dự án với diện tích 116 ha.
Đức Huệ với tiềm năng về đất đai, lao động còn rất lớn, có lợi thế về vị trí địa lý gần với các địa phương trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Long An – Thành phố Hồ Chí Minh – Tây Ninh; có đường biên giới giáp nước bạn Campuchia; trong tương lai khi hoàn thành tuyến đường vành đai biên giới, Quốc lộ N1 và Quốc lộ 14C kết nối các trục giao thông chính trong huyện là những điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và giao thương hàng hóa; thực hiện đề án quy hoạch Khu kinh tế Cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây là cơ hội thúc đẩy kinh tế phát triển, nếu được nâng lên cửa khẩu quốc tế sẽ giúp cho huyện Đức Huệ khai thác tối đa các lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội, nhất là kinh tế thương mại – dịch vụ sẽ phát triển mạnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa./.
TUV, Bí thư Huyện ủy Đức Huệ Phạm Văn Trấn