Hiện nay, Long An thực hiện mục tiêu mà Ðảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025, tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu về kinh tế ở khu vực ÐBSCL, đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tạo ra nhiều quỹ đất sạch với giá cả cạnh tranh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện rà soát các TTHC nhằm đẩy mạnh việc giải quyết nhanh các thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Hiện nay, tỉnh có 23 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư. Trong đó, có 18 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên được quy hoạch 4.076,23ha, diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê 2.905,59ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 2.48,63ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 85,65%. Có 5 KCN đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu tư thứ cấp đang thực hiện các thủ tục để triển khai DA.
Theo nhận xét của nhiều DN, vài năm trở lại đây, Long An trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi lãnh đạo tỉnh đưa quyết sách giao thông phải đi trước một bước. Đầu tư công được xem là "vốn mồi" để thu hút vốn xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển KT - XH, tạo động lực cho tăng trưởng và đột phá. Vì vậy, tỉnh Long An tập trung đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai, thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 đạt kế hoạch đã đề ra, nhất là trên lĩnh vực giao thông.
Thời gian qua, tỉnh triển khai thi công nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối với TP.HCM và các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Từ đó, một làn sóng đầu tư mới của các DN lớn đang "tiến đến" Long An, đặc biệt dòng vốn "chảy" vào bất động sản ngày một tăng. Các tuyến đường có thể kể đến như Đường tỉnh 823D (trục mở mới Tây Bắc kết nối tỉnh Long An - TP.HCM và các tỉnh Đông - Tây Nam bộ), Đường tỉnh 826E là tuyến đường kết nối Quốc lộ 50 với trục động lực Tây Nam./.
BBT