Huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại – dịch vụ, phấn đấu xây dựng các trung tâm thương mại, chợ nông thôn và khu thương mại cửa khẩu Mỹ Quý Tây. Phát huy lợi thế về trao đổi – mua bán hàng hóa qua biên giới theo qui định của chính phủ 2 nước (Việt Nam- Campuchia). Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, chú trọng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
Phát triển chợ gắn các điểm dịch vụ cung ứng vật tư sản xuất, mua, bán nông sản, thực phẩm. Nâng cấp những chợ hiện hữu và đầu tư phát triển chợ ở một số xã trên địa bàn. Phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa gắn với việc bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, khu bảo tồn thiên nhiên. Có chính sách đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tái tạo khu di tích lịch sử cách mạng Bình Hòa Hưng để có thể khai thác du lịch sinh thái.
Tổ chức tốt công tác thông tin thị trường, giá cả, quảng cáo. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.
Triển khai các hoạt động mời gọi, thu hút đầu tư thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa. Hỗ trợ tích cực các hoạt động tìm hiểu về thị trường, tìm hiểu đối tác, giúp người sản xuất nắm được thông tin cần thiết, xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hóa, tiếp cận thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu qua biên giới.
Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 20,7% năm giai đoạn 2011-2015 và khoảng 19,65%/năm giai đoạn 2016-2020. Giá trị gia tăng với tốc độ khoảng 20,74%/năm giai đoạn 2011-2015 và 20%/năm giai đoạn 2016-2020, chiếm tỷ trọng khoảng 26% vào năm 2015 và 29,1% vào năm 2020.
1. Thương mại và xuất khẩu
Phát triển và phân bố mạng lưới chợ thị trấn, chợ nông thôn ở các xã và trung tâm thương mại tại thị trấn Đông Thành. Huy động nguồn lực của nhiều thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại, phù hợp với Quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh. Trong đó, huyện xây dựng trung tâm thương mại tại Thị trấn với quy mô diện tích từ 8-10 ha trong giai đoạn 2016-2020. Tổng số cho quy hoạch phát triển đến năm 2020 là 13 chợ; trong đó có 10 chợ xây dựng mới và 2 chợ nâng cấp, mở rộng. Đến năm 2020, trên địa bàn huyện có 1 siêu thị tại khu vực cho thị trấn Đông Thành.
Gắn phát triển mạng lưới trung tâm thương mại, chợ tại thị trấn và nông thôn với Quy hoạch sử dụng đất. Kết hợp tạo nguồn vốn để xây dựng Trung tâm thương mại và chợ với tăng cường quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thương mại, nhằm ổn định thị trường giá cả, phát triển các hình thức kinh doanh có hiệu quả. Tổng giá trị thương mại của huyện đạt khoảng 200 tỷ đồng vào năm 2015 và 555 tỷ đồng vào năm 2020.
Về xuất khẩu
Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông sản. Trước mắt, tập trung trao đổi hàng hóa với Campuchia với các mặt hàng nông nghiệp sau đó đi đến xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến.
Quy hoạch kinh tế Cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây: được phê duyệt ngày 23 tháng 07 năm 2009 theo Quyết định số 1803/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Long An, khu vực quy hoạch có qui mô diện tích là 150,94 ha bao gồm: đất xây dựng khu dịch vụ, đô thị là 85,35 ha và đất cụm công nghiệp là 65,59 ha.
+ Cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây trên biên giới Việt Nam – Campuchia sẽ tạo cơ sở hình thành các trạm kiểm soát liên hợp, các công trình quản lý nhà nước trên khu vực biên giới. Phát triển khu cửa khẩu gắn với định hướng phát triển kinh tế đối ngoại, từ đó hình thành các khu kho hàng, khu – cụm công nghiệp, các cơ sở gia công chế biến phục vụ cho nhu cầu XNK, các trung tâm thương mại, khu miễn thuế,….
+ Hình thành một khu cửa khẩu với các công trình thương mại – dịch vụ mang tính chất đặc trưng cho hoạt động giao thương cửa khẩu, các công trình dịch vụ đô thị, các khu ở nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ giữa nước ta với nước bạn trên cơ sở hợp tác kinh tế, thương mại – dịch vụ.
2. Du lịch
Phát triển du lịch gắn với các khu di tích lịch sử cách mạng và phát triển du lịch sinh thái để tận dụng lợi thế sông nước và tham quan kinh tế cửa khẩu. Cần khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện gắn với các tuyến du lịch khác trong tỉnh và liên tỉnh. Khi khu kinh tế cửa khẩu được hoàn thành đưa vào hoạt động, ngành du lịch của huyện có thể tận dụng lợi thế này để kết nối các chuyến du lịch khác để đưa khách tham quan khu cửa khẩu.
Kêu gọi các nhà đầu tư và người dân địa phương phát triển mô hình du lịch sinh thái miệt vườn, kết hợp với tham quan các trang trại sản xuất với quy mô lớn và hiệu quả. Đồng thời phát triển một số điểm du lịch kết hợp với xây dựng khu trung tâm văn hóa thể thao, vui chơi giải trí tại khu trung tâm huyện. Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành kinh tế - xã hội khác có tác động đến phát triển du lịch.
Xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng với nhiệm vụ phục hồi, tôn tạo lại di tích lịch sử căn cứ Bình Thành tại xã Bình Hòa Hưng...và tái tạo các di tích gốc được vạch ra và từng bước thực hiện để trong tương lai khách tham quan có thể phần nào hiểu được hoàn cảnh sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta giai đoạn kháng chiến. Đưa di tích lịch sử căn cứ Bình Thành trở thành một công trình truyền thống lịch sử-văn hóa-du lịch quan trọng của huyện Đức Huệ nói riêng và tỉnh Long An nói chung.
3. Dịch vụ vận tải
Phát triển ngành dịch vụ vận tải theo hai hướng thủy và bộ để phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách. Với vị trí là huyện biên giới, đang có dự án thành lập khu kinh tế cửa khẩu sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa và là nơi trung chuyển hàng hóa giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh với Campuchia. Do đó, cần xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ vận tải theo hướng làm đại lý, vệ tinh cho các địa phương khác, đặc biệt là TP.HCM và huyện Đức Hòa.
Hệ thống giao thông bộ, thủy trên địa bàn huyện vẫn còn yếu, đang trong giai đoạn đầu tư nâng cấp nên còn khó khăn trong vận chuyển và đi lại nhất là vào mùa mưa. Tuy nhiên, dịch vụ vận tải là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa và hành khách, cho nên phát triển vận tải là điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội.
Khối lượng hành khách vận chuyển tăng từ 61 ngàn người năm 2010 lên 150 ngàn người năm 2015 và khoảng 246 ngàn người năm 2020.Với tốc độ tăng trưởng là 20% trong giai đoạn 2011-2015 và 10% giai đoạn 2015-2020.
4. Dịch vụ bưu chính viễn thông
Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển hệ thống bưu chính (bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã, đại lý bưu điện…) nâng cao chất lượng phục vụ đi đôi với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thực hiện kinh doanh đa dịch vụ tại các điểm bưu điện kết hợp với các dịch vụ thương mại nhằm nâng cao sự phục vụ cho nhu cầu của khách hàng.
Tổng số bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã, đại lý bưu điện trên địa bàn huyện đến năm 2020 là 39điểm, giảm từ 2.969 người/điểm năm 2010 xuống còn 2.111 người/điểm năm 2020.
Xây dựng mạng cáp quang đến các cụm dân cư, tăng thêm các trạm thu phát sóng di động. Đến năm 2020 toàn huyện có khoảng 158trạm thu phát sóng di động, các cụm dân cư đều có hộp cáp kéo đến. Khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông trên địa bàn huyện, coi trọng ứng dụng thiết bị và công nghệ không dây, phổ cập dịch vụ điện thoại và internet.
Lắp đặt thêm 5 điểm chuyển mạch tại khu vực các xã nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ khi xây dựng thị trấn mới Mỹ Quý, xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.
Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của bộ máy nhà nước, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Từng bước tiến tới Chính quyền điện tử, công dân điện tử. Đến năm 2015 tất cả các cơ quan quản lý nhà nước đều có hệ thống internet và thành lập trang thông tin điện tử, các trường học, cơ sở y tế, các ban ngành cấp xã đều kết nối được với mạng lưới internet, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng.
Phát triển dịch vụ truy cập internet theo các chương trình hỗ trợ sản xuất, xây dựng trang thông tin thị trường các loại sản phẩm chủ yếu giúp cho nông dân, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận thị trường để điều chỉnh cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với thị trường.
Hạng mục | Đơn vị | 2010 | 2015 | 2020 |
1- Số Bưu cục cấp II, III | Bưu cục | 0 | 1 | 1 |
2- Số Điểm bưu điện văn hóa xã | BĐVHX | 13 | 13 | 13 |
3- Số đại lý Bưu điện | Đại lý | 11 | 18 | 25 |
4- Số trạm thu phát sóng | Trạm | 77 | 122 | 158 |
5- Tổng số máy điện thoại |
|
|
|
|
- Số máy cố định | Máy | 4320 | 4820 | 5397 |
- Di động trả sau | Máy | 950 | 5230 | 8987 |
6. Số người thường xuyên sử dụng Internet | Người | 820 | 2029 | 7823 |
Bảng 3.14: Một số chỉ tiêu chủ yếu về dịch vụ BC-VT giai đoạn 2011-2020
5. Tài chính, ngân hàng
Đức Huệ là một huyện còn nhiều khó khăn để phát triển kinh tế: là huyện nông nghiệp, cơ sở hạ tầng chậm phát triển nên đời sống kinh tế của người dân còn thấp, các hoạt động kinh tế chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ.Do đó nguồn thu vào ngân sách còn nhiều hạn chế đã gây không ít khó khăn cho hoạt động đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn huyện.
Giai đoạn 2011-2015, huyện cần nhiều nguồn vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cụm công nghiệp, khu thương mại, cùng với việc thu hút đầu tư của hệ thống doanh nghiệp sản xuất và thương mại trên địa bàn huyện. Trong đó vai trò của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là quan trọng trong việc dẫn dắt nền kinh tế, tuy nhiên vai trò của doanh nghiệp tư nhân là không nhỏ. Tổng nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này khoảng 623 tỷ đồng.
Sang giai đoạn 2016-2020, hệ thống cơ sở hạ tầng về cơ bản đã hoàn thành, các cụm công nghiệp đã bắt đầu đi vào hoạt động nên đầu tư tư nhận và khu vực hộ gia đình tăng mạnh. Ngoài ra, giai đoạn này sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp còn lại, tổng nhu cầu đầu tư trong giai đoạn này là tỷ đồng. Chủ yếu được thực hiện bởi hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, các hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp…Đối với ngân hàng Chính sách và ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ yếu cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp và giảm nghèo. Nhu cầu vốn xã cần cho các hoạt động kinh tế khoảng 3.044 tỷ đồng
Với nhu cầu trên, Đức Huệ cần thu hút các chi nhánh ngân hàng đến hoạt động trên địa bàn để huy động và cung cấp nguồn vốn cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.