1. Tác động của bối cảnh quốc tế
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tác động nhất định đến Long An nói chung và huyện Đức Huệ nói riêng. Hai lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất là xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư. Sản phẩm chủ yếu của huyện là lúa, do đó khi xuất khẩu gạo cả nước bị ảnh hưởng thì sẽ ảnh hưởng đến giá cả và thu nhập của người dân. Đồng thời, khả năng thu hút các nguồn vốn ODA và FDI vào các khu, cụm công nghiệp, những ngành và lĩnh vực mà huyện có lợi thế như công nghiệp chế biến cũng bị chậm lại.
Đức Huệ có 27,8 km đường biên giới, có cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây với Campuchia. Sau Hiệp định thương mại biên giới giữa hai quốc gia, hợp tác thương mại đã và đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, Đức Huệ phải coi đây là cơ hội phát triển kinh tế thương mại dịch vụ, cũng như các lĩnh phát triển kinh tế xã hội môi trường giữa hai vùng giáp biên giới. Tuy nhiên, đây là huyện biên giới nên vấn đề an ninh biên giới, vấn đề tệ nạn xã hội, buôn lậu,…cũng gây rất nhiều khó khăn cho huyện trong quá trình phát triển kinh tế.
Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 là gia nhập vào nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới trên cơ sở tăng trưởng nhanh, hiệu quả, phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa đang diễn ra sôi động và có nhiều mặt thuận lợi cho Việt Nam. Để theo kịp quá trình này, đòi hỏi tỉnh Long An nói chung và huyện Đức Huệ nói riêng phải năng động, sáng tạo và kiên trì đổi mới cơ chế, chính sách, tích cực chủ động hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Xu hướng phát triển công nghệ: Công nghệ thế giới phát triển không ngừng với nhiều mô hình phát triển kinh tế, xã hội liên tục được các nước đón nhận. Điển hình các mô hình phát triển kinh tế đang được thế giới áp dụng mạnh mẽ như: Lý thuyết cạnh Tranh của Michael E.Porter, Lý thuyết lợi thế theo quy mô của Paul Krugman (nobel kinh tế 2008),… Trong đời sống, khoa học công nghệ phát triển với tốc độ rất nhanh nhằm phục vụ cho đời sống người dân toàn thế giới như công nghệ 3G, 4G trong công nghệ viễn thông, hoặc công nghệ giải trí với nhiều sản phẩm gia dụng tiện dụng khác.
Chuyên môn hóa và phân công lao động: Xu hướng hội nhập toàn cầu và sự phát triển của khoa học công nghệ làm cho các nguồn lực dịch chuyển dễ dàng hơn giữa các quốc gia. Điều này tạo sự thuận lợi cho sự phân công lao động quốc tế càng thêm sâu sắc. Các quốc gia đã phát triển ngày càng có xu hướng phát triển tập trung vào các lĩnh vực thâm dụng tư bản (sử dụng vốn, công nghệ là chủ đạo) và các quốc gia đang phát triển có xu hướng lựa chọn phát triển các ngành thâm dụng lao động (sử dụng lao động là chủ đạo) trong giai đoạn chuyển mình phát triển.
2.Tác động của bối cảnh trong nước.
2.1. Tình hình kinh tế - xã hội của cả nước.
Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được thế giới công nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì ở mức cao, bình quân trong giai đoạn 2006-2010 là 6,9%.
Tình hình chính trị - xã hội trong nước ổn định trong điều kiện thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp làm cho Việt Nam được xem là điểm đến an toàn trong thu hút đầu tư và du lịch. Bên cạnh đó, thể chế quản lý kinh tế, hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách từng bước đồng bộ hóa, kinh nghiệm quản lý dần được tích lũy... đã tạo cho ta lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư, nhất là FDI.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 5 năm (2006-2010) cũng đạt gần 660 nghìn tỷ đồng, tức là gần gấp rưỡi kế hoạch đề ra. Vốn vay ưu đãi ODA cũng giải ngân được khoảng 13 tỷ USD, chiếm 60% tổng lượng cam kết.
Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế còn rất nhỏ bé, khả năng tích lũy thấp, chất lượng tăng trưởng chưa cao, hiệu quả sử dụng nguồn lực phát triển thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém, thị trường nội địa kém sôi động…. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, thể hiện qua chỉ số ICOR của nước ta luôn ở mức cao ( từ năm 1999 đến nay, hệ số ICOR của nước ta luôn ở mức trên 5,0) cao hơn trung quốc khoảng 1,5 lần, cao hơn Thái Lan khoảng 1,35 lần. Năng suất lao động ở nước ta cũng thấp so với các nước trong khu vực ASEAN, từ 2 đến 15 lần. Những khó khăn lớn xảy ra trong năm 2008 như: lạm phát tăng cao, thu hút vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu giảm nghiêm trọng ,…
Tuy còn nhiều khó khăn và thách thức, song mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 là gia nhập vào nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới trên cơ sở tăng trưởng nhanh, hiệu quả, phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa đang diễn ra sôi động và có nhiều mặt thuận lợi cho Việt Nam. Đòi hỏi chúng ta phải năng động, sáng tạo và kiên trì đổi mới cơ chế, chính sách, tích cực chủ động hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
2.2. Ảnh hưởng của Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đến Đức Huệ.
Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 11,5%/ năm giai đoạn 2011 -2015 và khoảng 11%/ năm giai đoạn 2016-2020. Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng ngành nông lâm ngư nghiệp từ 36%GDP vào năm 2010 giảm xuống còn 20% vào năm 2020. Vùng cũng đang tập trung đẩy nhanh phát triển giáo dục-đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng; Đây sẽ là một cơ hội thực sự cho sự phát triển nguồn nhân lực của huyện Đức Huệ đang còn rất thiếu và hạn chế.
Trong những năm gần đây, việc ĐBSCL tập trung đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ, đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhất là trong các lĩnh vực thủy sản và nông nghiệp, đã tạo cơ hội cho huyện Đức Huệ đẩy nhanh áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường.
2.3. Tác động trực tiếp của tỉnh Long An đến huyện Đức Huệ.
- Nhiều danh mục công trình đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An tạo điều kiện thuận lợi để phát huy lợi thế phát triển kinh tế như Quốc lộ N1, N2, 50, đường cao tốc, Cảng Long An, cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, các dự án du lịch Làng nổi Tân Lập; khu sinh thái Láng sen ...
- Hạ tầng trong và ngoài các khu cụm công nghiệp, dân cư và đô thị đã và đang tập trung đầu tư tạo điều kiện thu hút trực tiếp của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài dự báo sẽ tăng đột biến trong kỳ kế hoạch.
- Là huyện thuộc vùng kinh tế phía Nam của cả nước, là vành đai giãn nở công nghiệp và đô thị của vùng Đồng Tháp Mười và tỉnh Long An, huyện có nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
- Các chương trình trọng điểm của Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và an sinh xã hội.
- Nhiều danh mục công trình đã, đang và sẽ đầu tư trên địa bàn huyện tạo điều kiện thuận lợi để phát huy lợi thế phát triển kinh tế như Quốc lộ N1, tỉnh lộ 838, tỉnh lộ 839, cửa khẩu Mỹ Quý Tây, ...
- Một số mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế năng động, hiệu quả được nhân rộng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;
- Các chương trình cấp quốc gia như chương trình 135, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bước đầu đã mang lại hiệu quả, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân huyện.
- Đề án phát triển nguồn nhân lực của ngành y tế năm 2009 – 2010 và những năm tiếp theo. Đề án xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006 - 2010 và đến 2020. Dự án đầu tư dạy nghề và giải quyết việc làm về nông nghiệp tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh Long An, sẽ là nền tảng cơ bản thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong giai đoạn tới.